“Đào, phở và piano” nổi lên như một “hiện tượng truyền thông” giữa mùa phim Tết. Một bộ phim về đề tài lịch sử, do Nhà nước đặt hàng sản xuất, bỗng được sự đón nhận lớn từ công chúng, đặc biệt là tệp khán giả trẻ.

Tôi quan sát thấy “Đào, phở và piano” hồi sinh từ review của một tiktoker, sau đó được tiếp sức qua các nhóm Yêu lịch sử trên Facebook. Phim dần có hiệu ứng “cháy vé” tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội và được thổi bùng lên mạnh mẽ bởi thông tin “sập web” đặt vé, dù nguyên nhân không được xác định rõ ràng.

Tôi dùng từ “hiện tượng truyền thông” mà không dùng “hiện tượng phòng vé” cho “Đào, phở và piano”, vì trước khi nhận được sự đồng ý hợp tác từ các rạp tư nhân, phim chỉ phát hành hạn chế tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, nên tình trạng “cháy vé cục bộ” cũng là điều dễ hiểu.

Tôi sẽ không bàn về nội dung phim, cũng không có ý định so sánh “Đào, phở và piano” với bộ phim nào khác vì đề tài, tính chất thương mại và nhiệm vụ phát hành của phim ngay từ đầu có lẽ đã rạch ròi với phần còn lại của thị trường.

Sự đón nhận tích cực “Đào, phở và piano” từ công chúng, đặc biệt là người trẻ, không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho một đề tài vốn khó nhằn với điện ảnh Việt. Cách tiếp cận này, hơn thế, cho thấy giới trẻ Việt Nam đã cởi mở, quan tâm đến các giá trị lịch sử và văn hóa nước nhà.

Tuy nhiên, sự ồn ào bề nổi, nhiều phần may mắn về phương diện truyền thông của bộ phim chưa thể hiện điều gì nhiều, nếu không muốn nói là cũng ngẫu nhiên bộc lộ nhiều điểm yếu của quá trình sản xuất – phát hành phim.

Có ý kiến cho rằng một trong những yếu tố làm nên hiện tượng cho “Đào, phở và piano” là trạng thái khan hiếm, nhưng đây vốn không phải là chiến lược được chuẩn bị kỹ mà là “sự khan hiếm bị động”, giới hạn bởi rất nhiều yếu tố như: nguồn lực, ngân sách và cả cơ chế. Tình trạng “bỗng nhiên được viral” của phim là sự nổi tiếng bất đắc dĩ, khiến nhà làm phim cũng phải bất ngờ tìm phương án linh hoạt cho cơ chế phát hành.

Hiệu ứng của “Đào, phở và piano” đặt ra câu hỏi lớn về sự mất cân bằng trong đầu tư nguồn lực và sự “bỏ rơi” sản phẩm sau khi hoàn thành của dòng phim do Nhà nước đặt hàng.

Không riêng gì “Đào, phở và piano” với ngân sách sản xuất 20 tỷ, cùng thời điểm, một bộ phim nhà nước khác ít được nhắc tên hơn, là “Hồng Hà nữ sĩ” (chưa có thông tin ngân sách) cũng chung công thức: lặng sẽ sản xuất – âm thầm ra rạp. Ngược dòng phim nhà nước có thể thấy, trước đây, năm 2014, phim “Sống cùng lịch sử” được đầu tư 21 tỷ đồng cũng phải thường xuyên hủy suất chiếu vì khán giả gần như không biết đến để đi xem.

Phim do nhà nước đặt hàng, đặc biệt là dòng phim lịch sử, với ngân sách khoảng 20 tỷ thì khó có thể nói là nhiều hay ít. Vì đặc thù của phim lịch sử cần đầu tư rất lớn cho tái hiện bối cảnh, phục trang, phương tiện, kỹ xảo… Và bởi vai trò của phim nhà nước vốn là để hưởng ứng, cổ động và tuyên truyền cho mục tiêu chính trị nên đơn vị sản xuất cũng không bị áp lực hoàn vốn, ít có động lực doanh thu.

Tuy nhiên, nếu vì ngân sách ít mà để một sản phẩm điện ảnh bị bỏ quên sau khi ra rạp, và đổ lỗi cho đề tài lịch sử vốn khô khan, hay cho việc thiếu cơ chế điều tiết trong phát hành là cả một sự bất công: bất công với chính sản phẩm, với chủ trương đầu tư và bất công với cả công chúng.

Vậy lối ra nào cho phim nhà nước để tháo gỡ các bất công này? Tôi cho rằng đã đến lúc cần thoát khỏi cách tổ chức theo khuôn mẫu truyền thống, để đổi mới và cởi mở hơn, với các thử nghiệm:

Đa dạng hợp tác: mở cửa với các nhà làm phim tư nhân, cho phép đấu thầu dự án điện ảnh cùng kế hoạch phát hành và truyền thông kèm theo, để tăng tính cạnh tranh, đổi mới và tăng năng lực sáng tạo cho phim nhà nước; đồng thời khai thác và tận dụng được năng lực của đôi bên.

Đa dạng kênh phát hành: hợp tác với các rạp chiếu và chia sẻ quyền lợi truyền thông hoặc tỷ lệ % doanh thu nhất định, để giảm áp lực lên đơn vị hợp tác và tối đa kênh tiếp cận. Năm 2021 Viện phim Việt Nam đã thử nghiệm đưa 10 bộ phim nhà nước lên nền tảng YouTube, và nhận được hiệu ứng rất tích cực.

Tăng cường truyền thông: chia sẻ ngân sách cho truyền thông, mời gọi đơn vị tài trợ đồng hành để xây dựng các chiến lược quảng bá đa kênh và hiện đại, tăng cường sáng tạo, thu hút tệp khán giả trẻ thông qua các chiến dịch marketing đa phương tiện, các event tương tác, cinetour hoặc các buổi livestream để tăng độ phủ. Kết hợp với các KOL cũng là một cách tận dụng sự lan tỏa qua đánh giá của người dùng.

Kết hợp văn hóa giáo dục: lồng ghép hoạt động chiếu phim vào các sự kiện văn hóa giáo dục, tạo cầu nối để phát huy vai trò tuyên truyền qua điện ảnh, đây cũng là lựa chọn giúp phim nhà nước truyền tải được những giá trị lịch sử và văn hóa đến gần hơn với công chúng tiềm năng một cách tự nhiên.

Câu chuyện suýt “cất kho” của “Đào, phở và piano” tuy phản ánh nhiều bất cập trong sản xuất và phát hành phim nhà nước, nhưng cũng cho thấy phim lịch sử, phim đặt hàng hoàn toàn có thể thu hút sự chú ý và tình cảm của công chúng. Vấn đề không phải ở chất liệu khô khan, thiếu nguồn lực hay ý tưởng sáng tạo, mà thách thức nằm ở cách tiếp cận và cơ chế quản lý còn hẹp.

Phim nhà nước phải đổi mới tư duy sản xuất và phát hành để thoát khỏi nhận thức lỗi thời, thái độ thờ ơ với thị trường, mở ra cơ hội tiếp cận công bằng và hiện đại cho sản phẩm nghệ thuật.

(Theo Trương Đức Phương – Vnexpress)